Giá xăng dầu thế giới bật tăng mạnh

Sau khi lao dốc vào cuối phiên 10/3, giá xăng dầu hôm nay đã quay đầu tăng mạnh khi thị trường lo ngại sự bế tắc của các nước trong việc tìm kiếm nguồn cung thay thế dầu thô của Nga sẽ đẩy kinh tế thế giới vào một cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát tăng cao.

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 11/3/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2022 đứng ở mức 107,00 USD/thùng, tăng 0,98 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 10/3, giá dầu WTI giao tháng 4/2022 đã giảm khoảng 2,97 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 5/2022 đứng ở mức 110,60 USD/thùng, tăng 1,10 USD/thùng trong phiên và đã giảm khoảng 2,83 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 10/3.

Stephen Innes, đối tác quản lý tại SPI Asset Management, cho biết thị trường dầu “đang ở trong một tình huống chưa từng có tiền lệ”. Sự không chắc chắn về việc nguồn cung sẽ đến từ đâu và khi nào để thay thế cho sản lượng dầu thô từ nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới là Nga trong một thị trường eo hẹp đã dẫn đến những dự báo biên độ rộng về giá dầu từ 100 - 200 USD/thùng.Giá dầu ngày 11/3 tăng mạnh sau khi lao dốc vào cuối phiên 10/3 chủ yếu do thị trường ghi nhận sự bế tắc trong việc tìm kiếm các nguồn cung thay thế dầu thô của Nga.

Theo các dữ liệu thống kê được công bố, hiện Nga đang xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu/ngày. Nếu các lệnh trừng phạt được áp đặt, dầu thô của Nga không thể xuất khẩu thì có nghĩa thị trường sẽ thiếu hụt thêm 5 triệu thùng/ngày và buộc phải đi tìm kiếm các nguồn cung khác thay thế.

Nhìn lại thị trường mấy tháng qua thì có 3 nguồn cung có thể được bổ sung để hạ nhiệt tình trạng thiếu hụt ngày. Đó là dầu mỏ từ Iran, Venezuela, OPEC+ và từ các kho dự trữ dầu chiến lược. Tuy nhiên, rõ ràng, dù là trông vào nguồn cung nào thì nó vẫn cần thời gian hoặc chỉ là trong ngắn hạn.

Ở diễn biến mới nhất, bỏ qua lời kêu gọi của Mỹ và các nước tiêu thụ dầu lớn, cuối ngày 9/3, Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) Suhail al-Mazrouei cho biết trên Twitter rằng, UAE cam kết với thỏa thuận hiện có của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+), về tăng nguồn cung dầu thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 4/2022.

Từ nhiều tháng nay, OPEC+ đã thực hiện kế hoạch tăng sản lượng khai thác 400.000 thùng/ngày mỗi tháng theo thoả thuận đã đạt được vào tháng 4/2021 của nhóm. Nhưng thực tế từ nhiều tháng qua cho thấy, OPEC+ chưa khi nào đạt được mức tăng sản lượng như kỳ vọng bởi không ít nước thành viên của nhóm đang gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng, đáp ứng hạn ngạch được phân bổ.

Việc Mỹ cân nhắc “cởi trói” cho dầu thô Iran và Venezuela, 2 quốc gia đang chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ, có thể xem là động thái cho thấy sự bế tắc của các nước tiêu thụ dầu thô trong việc tìm kiếm các nguồn cung thay thế dầu của Nga.

Giá dầu hôm nay tăng mạnh còn do thông tin dự trữ dầu thô và các loại nhiên liệu của Mỹ giảm mạnh trong tuần trước. Cụ thể, dầu thô tồn kho của Mỹ giảm 1,9 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 4/3, xuống còn 411,6 triệu thùng. Dự trữ dầu thô của Mỹ trong các kho dự trữ dầu chiến lược (SPR) giảm xuống còn 577,5 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2002.

Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, giá dầu hôm nay cũng chịu áp lực bởi đồng USD mạnh hơn và lo ngại lạm phát gia tăng sẽ làm chậm quá trình phục hồi kinh tế, thậm chí đẩy kinh tế toàn cầu vào trạng thái suy thoái.

Trước đó, trong phiên 10/3, giá dầu thô đã giảm mạnh khi thông tin về việc các nước G7 nhóm họp và thống nhất việc đa dạng hoá các nguồn cung năng lượng để giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Ngoài ra, IEA được cho cũng sẵn sàng xả kho dự trữ dầu thô. Tuy nhiên, hiệu ứng này chỉ diễn ra trong ngắn hạn khi các kịch bản ứng phó được đưa ra đều cần có thời gian, còn trước mắt, nhiều quốc gia châu Âu đang phải “ngược xuôi” tìm cách tích trữ, lấp đầy các kho dữ trữ năng lượng nhằm đảm bảo các nhu cầu tối thiểu trong nước.


 Nguồn:Petrotimes