Dầu thô có thể tiếp đà giảm khi tâm lý lo ngại về suy thoái gia tăng trên thị trường chung

Dầu thô tăng mạnh trở lại trong phiên hôm qua, khi lo ngại về thiếu hụt nguồn cung một lần nữa gia tăng khi EU tích cực thảo luận với các thành viên để thúc đẩy lệnh cấm vận nhập khẩu dầu từ Nga. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI tăng 5.96% lên 105.71 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 4.93% lên 107.51 USD/thùng.

Tuần này là thời điểm thị trường năng lượng phải đón nhận nhiều báo cáo, liên tiếp giữa các số liệu cập nhật mới nhất từ báo cáo tuần của Viện Dầu khí Mỹ API và Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA cho đến các báo cáo mang tính trung và dài hạn như 2 báo cáo tháng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA và Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ OPEC chiều tối nay. Trong báo cáo tháng 4, đồng loạt cả 3 tổ chức đều đã cắt giảm dự báo tiêu thụ dầu thế giới trong năm nay. Giá dầu tăng 5 tháng liên tiếp phần nào đã tạo ra rủi ro về việc tạo ra vùng giá “hủy diệt nhu cầu”.

Thực tế, sau khi lạm phát trong tháng 04/2022 tại Mỹ đạt đỉnh 40 năm, nhiều hộ gia đình tại Mỹ đã bắt đầu xem xét việc cắt giảm chi phí đi lại, theo khảo sát của CNBC. Số liệu lạm phát tháng 5 tại Mỹ  công bố hôm qua đạt 8.3% dù giảm một ít so với tháng 4, tuy vậy vẫn cho thấy áp lực lạm phát hiện vẫn đang rất lớn và có thể sẽ thực sự khiến cho nhu cầu đi lại giảm dần, nhất là trong mùa lái xe bắt đầu từ tháng 6, do giá xăng tại Mỹ hiện vẫn nằm ở gần mức đỉnh 4.4 USD/gallon, cao hơn gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, khi lo ngại về suy thoái kinh tế trên thị trường chung đang cao, nếu trong báo cáo sắp tới cả IEA và OPEC đồng loạt hạ dự báo nhu cầu, thì trong bối cảnh hiện tại, giá dầu vẫn có thể chịu sức ép tiếp tục điều chỉnh.

Về mặt kỹ thuật, giá dầu đã rơi khỏi hỗ trợ tại vùng 103 USD/thùng. RSI và MACD đang hướng xuống, gợi ý giá khả năng cao sẽ còn điều chỉnh. Giá có thể sẽ test lại vùng 101 USD/thùng trong phiên hôm nay.

 Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp

Hồng Hoa