Châu Mỹ có thể là chìa khóa cho an ninh năng lượng toàn cầu

Viện Hợp tác Nông nghiệp Liên Mỹ (IICA) mới đây khẳng định châu Mỹ có thể đóng góp quan trọng cho an ninh năng lượng toàn cầu trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay do cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Trong báo cáo vừa công bố có tựa đề “Tầm quan trọng địa chính trị của ngành nông nghiệp trong an ninh năng lượng”, IICA chỉ ra rằng châu Mỹ đang sản xuất tới 71% tổng lượng nhiên liệu sinh học lỏng toàn cầu, có tầm quan trọng chiến lược để thay thế một phần tiêu thụ dầu và khí tự nhiên hiện tại.

Châu Mỹ có thể là chìa khóa cho an ninh năng lượng toàn cầu

Theo IICA, Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên chủ chốt cho châu Âu, đồng thời cũng là một trong những nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, do đó các lệnh trừng phạt cấm nhập khẩu nhiên liệu từ Nga cũng để lại hậu quả nghiêm trọng. Tháng trước, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã tăng hơn 6 lần, và dự kiến sẽ còn tăng khi tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngày càng trầm trọng.

Đối mặt với tình hình này, ngành nông nghiệp của châu Mỹ có thể đóng một vai trò quan trọng, bởi đây là châu lục có lượng xuất khẩu nông sản lớn, đóng góp đáng kể vào việc đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu và cả an ninh năng lượng. Báo cáo của IICA nêu rõ hai mục tiêu này không hề đối nghịch bởi đa dạng hóa trong việc sử dụng toàn diện và hiệu quả sinh khối để sản xuất nhiên liệu sinh học có thể làm tăng hiệu quả và an toàn của các hệ thống nông sản thực phẩm.

Ông Agustín Torroba, chuyên gia nhiên liệu và năng lượng sinh học của IICA, chủ biên báo cáo nói trên, nhấn mạnh rằng rằng nhiên liệu sinh học đã đóng góp hơn 150 triệu  m3 vào ma trận nhiên liệu lỏng toàn cầu, 33% ở dạng diesel sinh học và 67% ở dạng cồn sinh học để pha trộn hoặc thay thế xăng.

Theo báo cáo của IICA, châu Mỹ đang nắm vai trò chủ chốt trong việc sản xuất cồn sinh học khi đang cung cấp tới 88% tổng lượng cồn sinh học và 36% diesel sinh học cho toàn thế giới. Nguyên liệu để sản xuất cồn sinh học chủ yếu là ngô và đường mía, còn diesel sinh học được làm từ dầu đậu nành và dầu cọ.

Tài liệu cho thấy khu vực châu Mỹ có tỷ lệ cân đối xuất khẩu cao đối với các nguyên liệu thô này, có thể tăng gấp đôi sản lượng cồn sinh học trên thế giới và tăng 80% sản lượng diesel sinh học. Hiện tại, nhiên liệu sinh học lỏng được sản xuất ở châu Mỹ đang giúp bù đắp 22% mức thâm hụt dầu mỏ và các chất dẫn xuất của châu lục. Theo tính toán của IICA, với số dư nguyên liệu thô xuất khẩu, thông qua công nghiệp hóa, nhiên liệu sinh học lỏng có thể bù đắp tới 53% nhu cầu dầu mỏ.

Sau khi nêu bật "tiềm năng to lớn để mở rộng sản xuất nhiên liệu sinh học và góp phần đạt được mục tiêu an ninh năng lượng" của châu Mỹ, IICA nhận định ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học đã bắt đầu trưởng thành, cải thiện đáng kể chi phí sản xuất trong hơn một thập kỷ qua và có khả năng cạnh tranh với nhiên liệu hóa thạch.


 Nguồn:Báo Tin tức/TTXVN